Hỏi đáp y học: Bệnh tăng tiết mồ hôi

Ngày đăng: 03/08/2019 02:43PM | Lượt xem: 1360

Hỏi đáp về Bệnh tăng tiết mồ hôi và cách điều trị bệnh ra mồ hôi quá nhiều.

"Thưa bác sĩ,

Xin hỏi bác sĩ về chứng ra mồi hôi ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Em hay bị ra mồ hôi ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Mỗi khi phải tập trung làm những công việc gì tỉ mỉ như viết lách, vẽ hình, cần tay khô ráo thì lòng bàn tay em ra mồ hôi nhiều. Ðôi khi hồi hộp hay chuẩn bị phải bắt tay với một người cấp lớn hơn, tay em cũng bổng dưng ra nhiều mồ hôi. Nhưng ngược lại có khi giở những trang giấy của một cuốn sách hay tờ báo, cần tay ẩm ướt một tí thì nói lại khô ran, khó làm được việc đó.

Lòng bàn chân của em cũng ra mồi hôi nhiều gây ẩm ướt giày vớ.

Xin bác sĩ giải thích cho nguyên do và cách chữa trị. Em chân thành cảm ơn bác sĩ!” (Trí Nguyễn - TPHCM)

Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia đã trả lời bạn thính giả cho những thông tin sau:

Bác sĩ Hồ Văn Hiền giải đáp:

Mồ hôi quá nhiều, cục bộ, không rõ nguyên nhân (primary focal hyperhidrosis.)

Thường lúc chúng ta chảy mồ hôi nhiều lúc chúng ta đến một chỗ nóng nực, vì bộ óc chúng ta có khả năng phát hiện được sự thay đổi nhiệt độ của máu cơ thể đi vào đầu, bộ óc ra lệnh cho những tuyến mồ hôi làm việc nhiều hơn. Trái lại, mồ hôi tay và lòng bàn chân chịu ảnh hưởng trực tiếp của vỏ óc (cerebral cortex) là những tổ chức thần kinh cấp cao và là nơi điều khiển những cảm xúc, suy nghĩ. Do đó chúng ta chảy mồ hôi tay chân thường vì chúng ta xúc động, sợ sệt hoặc lo âu (emotional stimuli).

Cấu tạo da lỗ chân lông

Chứng chảy "mồ hôi cục bộ không rõ nguyên nhân" (primary focal hyperhidrosis):

  • Focal là cục bộ, chỉ giới hạn ở nách, bàn tay, bàn chân, mặt; khác với “generalized hyperhidrosis”.)
  • Ở một người khỏe mạnh về mọi mặt khác.
  • Thường được giải thích như là một sự thiếu điều hòa của hệ thần kinh giao cảm (autonomic dysregulation.) Nói một cách giản dị hơn, những người này là những người dễ bị xúc động, hệ thần kinh giao cảm (sympathetic system, nhưng dùng acetylcholine làm chất dẫn truyển thần kinh [neurotransmitter]) quá nhạy cảm, kích thích các hạch mồ hôi tay chân, nách quá trớn. Người Nhật bị chứng này 20 lần nhiều hơn các giống dân khác. Người Mỹ (phần đông là da trắng) chừng 1% mắc chứng này.
  • Trong gia đình bệnh nhân có nhiều người thân khác cũng mắc chứng ra mồ hôi nhiều ở tay, chân mặt.
  • Một điểm quan trọng khác là lúc đi ngủ thì không bị ra mồ hôi tay chân.

Ra mồ hôi khiến cuộc sống của nhiều người tăng tiết mồ hôi bị ảnh hưởng

Ra mồ hôi khiến cuộc sống của nhiều người tăng tiết mồ hôi bị ảnh hưởng

Bác sĩ cần phân biệt với bệnh ra mồ hôi quá nhiều toàn thân do những nguyên nhân khác (secondary hyperhidrosis.)

1) Những người này chảy mồ hôi cả ngày lẫn đêm.

2) Nguyên nhân có thể là: trời nóng quá, bệnh nhiễm như bệnh lao, u bướu (lymphoma), cường cơ năng tuyến giáp.

Chữa trị chỉ có mục đích làm tăng chất lượng đời sống vì bệnh này không có gì nguy hiểm.

1) Thường nhất là dùng những muối aluminum (nhôm). Muối nhôm bít các lỗ tuyến ra mồ hôi, và có thể huỷ hoại một số tuyến mồ hôi.

  • Ở Mỹ, thuốc tên Drysol chứa 20 % aluminum chloride, bán từng chai 37.5 cc, ở Mỹ mua phải có toa bác sĩ. Tối đi ngủ người bệnh thoa Drysol lên chỗ mồ hôi nhiều, lấy saran wrap (là màng plastic) bọc lên, sáng dậy rửa thuốc đi. Làm hai đêm liên tiếp. Sau đó, mỗi tuần một hai lần nếu cần.
  • Thuốc Certin-Dri và Xerac không cần toa BS.
  • Nên hỏi dược sĩ có thuốc tương tự hay không, thường đây là những chất rẻ tiền dễ kiếm.
  • Nhớ thoa thuốc lúc da khô (trước khi đi ngủ), và rửa sạch lúc dậy buổi sáng; nếu da vẫn ngứa, đỏ khó chịu có thể dùng kem loại corticoid (như hydrocortisone 2.5%) thoa.

2) Các thuốc uống xài trị bệnh ra mồ hôi nhiều không hiệu quả lắm vì nhiều phản ứng phụ. Những thuốc này có tác dụng chống lại acetylcholine, nên cũng gây phản ứng phụ như khô mắt, khô miệng, mắt mờ do con ngươi nở lớn, khó tiểu, bón (Anticholinergics: vd propantheline bromide, glycopyrrolate, oxybutynin (Ditropan), benztropine).

3) Một cách chữa khác là iontophoresis (Phương pháp điện di ion qua nước), dùng dòng điện để điều trị bệnh ra mồ hôi. Máy bán trên thị trường cho người tiêu dùng tại nhà, dùng nước vòi (tap water) và chừng 95% thấy bệnh thuyên giảm. Nhược điểm là phải 'chạy điện" 20-30 phút mỗi ngày, dần dần có thể dùng vài ba lần/tuần. Nhưng là phương pháp được sử dụng nhiều nhất hiện nay trên thế giới vì độ an toàn và hiệu quả.

4) Trong một số trường hợp bác sĩ có thể xài thuốc an thần (tranquilizer). Những thuốc này cũng như những biện pháp sau đây không xài cho trẻ em, chỉ kể ra đây với mục đích thông tin.

5) Một số bác sĩ dùng phương pháp giải phẫu, cắt đứt dây thần kinh giao cảm nằm trong lồng ngực, trước khi dây này ra khỏi lồng ngực và phụ trách vùng mồ hôi ở nách và tay (cắt thần kinh giao cảm bằng nội soi lồng ngực/ ETS endoscopic transthoracic sympathectomy). Do bác sĩ giải phẫu thần kinh (neurosurgeon) thực hiện.

Phẫu thuật nội soi lồng ngực trong cắt mổ hạch giao cảm

Phẫu thuật nội soi lồng ngực trong cắt mổ hạch giao cảm

6) Một phương pháp mới, khá đắt tiền là chích Botulinum toxin A (Botox.) Botox là một chất cực độc lấy từ vi trùng botulinum. Hiện nay rất thịnh hành trong việc trị các vết nhăn da mặt. Độc tố này làm tê liệt các tuyến mồ hôi.

Bệnh nhân được bác sĩ chuyên khoa da chích chừng 50 mũi chất này vào mỗi bàn tay. Hiệu nghiệm từ 4-12 tháng, sau đó phải làm lại.

7) Một số khảo cứu đang dùng năng lượng của siêu âm để chữa bệnh này, điểm bất tiện chính là làm tê hai bàn tay.

8) Tự nó bệnh nhiều mồ hôi chỉ bất tiện, cần tĩnh tâm, bớt lo lắng, lo âu, thư giãn.

● Thường người chảy mồ hôi tay nhiều có khuynh hướng bị ám ảnh tay mình ẩm ướt lúc giao tiếp, trước lúc sắp phải bắt tay người khác, cầm tay người khác. Sự căng thẳng này lại càng làm cho người đó hồi hộp, tim đập mạnh, tay ướt nhiều hơn (do hệ thần kinh giao cảm tự động bị kích thích bởi tác dụng của stress.) Người đó có thể vô tình tránh tiếp xúc với người khác và giới hạn sinh hoạt của mình, ít muốn tiếp xúc với ai. Khá đông người Việt Nam chúng ta cũng nghĩ rằng mồ hôi tay là triệu chứng yếu tim (cũng dễ hiểu vì do tác dụng hệ gia cảm nói trên, tim cũng đập nhanh, người đó hồi hộp,cảm thấy khó thở) nhưng điều này không đúng. Có thể đọc sách hướng dẫn, tập thiền, hoặc nhờ những người có khả năng giúp cho mình tự tin hơn, như chuyên gia tâm lý, hoặc bs của mình.

● Đa số người trẻ mắc chứng này dần dần sẽ bớt trở ngại, triệu chứng giảm đi với thời gian, nhất là nếu người đó tự tin hơn và làm chủ được mình hơn bằng cách ý thức về sự sợ sệt của mình. Có thể dùng muối nhôm (aluminum salt) nếu cần.

● Nên nhờ BS khám để đánh giá sức khỏe tổng quát, để loại những bệnh tim, giáp trạng đôi khi có thể đi cùng.

Chúc bệnh nhân may mắn.

BS Hồ Văn Hiền.
----------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Nguồn VOV Tiếng Việt

Xem thêm:

Chữa ra mồ hôi bằng điện di ion - Nguyên lý và hiệu quả
Điện di ion - nguyên lý hoạt động
Hỏi đáp về Tăng tiết mồ hôi và Điện di ion
Tiêu chuẩn chất lượng của Máy chữa ra mồ hôi Dermadry

Tìm hiểu thêm về Thiết bị Máy điện di ion Dermadry - chữa ra mồ hôi Tay - Chân - Nách

Bình luận bài viết
Tin mới

076 6161 369